Du khách Hàn Quốc đến Phú Quốc trong chương trình thí điểm hồi tháng 11-2021 – Ảnh: N.BÌNH
“Bàng hoàng” là từ mà chuyên gia Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, miêu tả cảm xúc của mình khi đọc về góp ý của Bộ Y tế cho phương án mở cửa lại hoạt động du lịch sau ngày 15-3.
Theo ông Nam, với đề nghị của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ không có du lịch quốc tế, mà không có du khách thì sẽ không có hàng không quốc tế hồi phục trong năm nay.
Các điều kiện đề xuất là gì? Du khách vào Việt Nam được khuyến cáo không ra khỏi nơi cư trú trong 72 giờ, nếu sau 24 giờ thì hằng ngày phải xét nghiệm COVID-19, không khuyến cáo khách trên 65 tuổi, người có bệnh nền đi du lịch.
“Với những điều kiện này thì không bao giờ có khách du lịch”, ông Nam khẳng định và cho rằng chương trình thí điểm đón khách quốc tế của Việt Nam sau 3 tháng, đánh giá một cách thẳng thắn là không thành công.
Với gần 9.000 khách trong 3 tháng, có nghĩa mỗi tháng Việt Nam chỉ đón được 3.000 hành khách. Trong khi chỉ riêng một tổ hợp du lịch của doanh nghiệp trong nước đã hơn 1.000 buồng phòng.
“Chúng ta ‘bò ra’ chỉ đón được 3.000 khách sao gọi là thành công? Lý do là điều kiện đón khách quá khó với tất cả các hãng hàng không, du khách và cơ sở lưu trú”, ông Nam nói.
Theo chuyên gia này, kiểu mở thí điểm như vậy nếu kéo dài chỉ làm doanh nghiệp mệt mỏi hơn và làm mất uy tín điểm đến Việt Nam, bởi mở cửa các cơ sở lưu trú sáng đèn nhưng lao động sẽ ngồi nhìn nhau chờ khách.
“Không thể thực hiện với đề xuất của Bộ Y tế nếu muốn có khách. Chúng ta cần đồng ý rằng nếu du khách đáp ứng điều kiện nhập cảnh, một khi vào Việt Nam thì cần đối xử bình đẳng như khách nội địa. Cần chấm dứt phân biệt đối xử, nếu cứ làm khó nhau thế này thì mở ra không hiệu quả, thậm chí doanh nghiệp còn nguy cơ không hiệu quả hơn”, ông Nam nói.
Tại tọa đàm “Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến TP.HCM năm 2022” do Sở Du lịch TP tổ chức, ông Trương Phương Thành – phó tổng giám đốc Bamboo Airways – cho rằng các chính sách xuất nhập cảnh chưa thuận tiện đang là rào cản lớn nhất và khiến nhiều du khách không mặn mà đến Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến sự hồi phục của các hãng bay.
Gần đây, chuyến bay từ TP.HCM đi Melbourne (Úc) của hãng có hơn 260 khách nhưng chỉ được 220 khách kịp làm thủ tục để lên máy bay, tất cả vì điều kiện xuất nhập cảnh quá phức tạp, tốn kém thời gian.
“Với lượng khách này thông thường hãng chỉ cần hơn 2 giờ là xong thủ tục mặt đất nhưng trong chuyến bay trên, nhân viên làm thủ tục hơn 5 tiếng vẫn không xong cho các hành khách vì các quy định về giấy tờ của Việt Nam quá rườm rà.
Ngay cả chuyến bay từ Melbourne về Việt Nam tình hình cũng không khả quan hơn. Thời gian mở cổng làm thủ tục 6 giờ vẫn không kịp dù kéo dài thêm 1 tiếng nữa, hãng chấp nhận chuyến bay khởi hành trễ.
Thủ tục rườm rà vậy làm sao tạo được sự thông thoáng để đưa khách đến?”, đại diện Bamboo Airways nói.
Cũng theo ông Thành, trên các chuyến bay quốc tế này hoàn toàn là khách Việt Nam, vì nhu cầu bức thiết mới đi, chỉ có một vị khách là người nước ngoài nhưng vị này bay đến Việt Nam vì có vợ là người Việt!
“Đón khách vào mà chính sách không thoáng thì còn lâu nữa du khách quốc tế mới dám đến Việt Nam. Cần có chính sách thoáng hơn để tạo điều kiện cho các tuyến đường bay thuận tiện”, ông Thành nói.
Ông Võ Anh Tài – phó tổng giám đốc Saigontourist Group – cho biết trước khi có phản hồi của Bộ Y tế, các doanh nghiệp đã nỗ lực để chuẩn bị cho việc mở cửa vào ngày 15-3.
“Chiều qua ban điều hành của Hội đồng tư vấn du lịch đã họp khẩn, và sẽ có thư kiến nghị về các yêu cầu của Bộ Y tế. Chúng ta muốn có kế hoạch mở cửa sớm nhất, đảm bảo an toàn nhưng phải tạo thuận lợi cho du khách quốc tế. Với cách mở này, liệu có khách đến?”, ông Tài nói.
Bà Huỳnh Phan Phượng Hoàng – phó tổng giám đốc Vietravel – cho rằng nếu ngày 15-3 vẫn mở mà chỉ mới he hé thì TP phải làm sao để đảm bảo du khách quốc tế cảm thấy không bị kỳ thị.
Lý do, du khách quốc tế cũng như khách trong nước đã đảm bảo 2 mũi tiêm và xét nghiệm PCR trước giờ khởi hành, nhưng vào Việt Nam vẫn phải bị cách ly, không được đi du lịch bình thường như du khách nội thì họ không có lý do để chọn Việt Nam.
Tuổi Trẻ Online – Du Lịch – RSS Feed
0 nhận xét:
Post a Comment