Nằm ở độ cao hơn 3.000m thuộc thung lũng dưới chân dãy Himalaya, bao quanh bởi cảnh quan núi non tuyệt đẹp, Shangri-la nằm tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài và được mệnh danh là “thiên đường hạ giới”.
Vài năm trở lại đây, nơi này đang trở thành điểm đến được khách Việt săn đón trong hành trình khám phá cung đường Côn Minh – Đại Lý – Lệ Giang – Shangri-La.
“Theo bảng xếp hạng của nhiều tờ báo uy tín và được các blogger du lịch đánh giá, đến vùng đất linh thiêng Shangri-la, du khách nhất định phải nếm thử thịt bò Yak, đặc biệt là món lẩu bò trứ danh.
Vậy loài bò này có gì đặc biệt khiến nhiều người phải cất công lặn lội từ nơi xa tới đây để thưởng thức?”, anh Đoàn Phước Trường, một du khách đến từ TPHCM, đặt câu hỏi.
Trong suốt hành trình khám phá, đôi lúc du khách được tận mắt nhìn thấy những con bò Yak cao tới gần 2m ngoài đời thực.
Theo lời của hướng dẫn viên, bò đực được thuần hóa có thể nặng tới gần 600kg, còn bò cái cũng lên tới 300kg. Đây là giống bò Tây Tạng, nổi bật với bộ lông dài, dày, rủ xuống qua bụng nên khả năng chịu lạnh tới -40 độ C.
Nhờ thể lực vượt trội, bò Yak có thể mang vác tới 100kg, di chuyển khoảng 15km mỗi ngày. Thậm chí, chúng còn được coi là báu vật vùng cao nguyên bởi bất cứ bộ phận nào trên cơ thể cũng có thể “hái ra tiền”.
Khi bò chết, người dân thường giữ đầu chúng để treo trong nhà. Quý nhất là cặp sừng đen bóng có một đoạn cong đặc trưng. Do vậy bộ sừng luôn được bán giá rất cao để trưng bày trong phòng khách hay trong nhà hàng, tượng trưng cho sức mạnh, ý chí và sự can trường.
Đến khi bò già yếu người ta mới lấy thịt nhưng chỉ ăn loại bò đen hay bò nâu. Riêng bò trắng là giống quý hiếm được thờ như vị Thần nên người dân địa phương sẽ không ăn thịt.
Ngay cả phân bò cũng được tận dụng làm nhiên liệu để nhóm lửa, đun nước. Phần xương của chúng để làm tràng hạt. Các sản phẩm dệt may từ lông bò có thể được bán với giá hàng nghìn USD.
Lông bò dùng để may quần áo, lều bạt, chăn gối, trong khi sừng bò sẽ chế tác ra các đồ thủ công mỹ nghệ như lược, nhẫn, vòng đeo tay. Ngay cả da bò cũng không bỏ phí, trở thành nguyên liệu làm túi xách, thắt lưng hay ví thời trang.
Không chỉ được coi là phương tiện di chuyển, cày bừa, bò Yak còn cung cấp sữa tươi với hàm lượng dinh dưỡng cùng chất béo cao gấp 2 lần sữa bò thông thường. Đặc biệt, các loại trà bơ, trà sữa hay sữa chua chế biến từ bò Yak được xem là thức uống bổ dưỡng thu hút khách thập phương.
Chính vì sự hiếm có khó tìm của loài bò Yak nên bất kì du khách nào khi tới Shangri-la đều tận dụng cơ hội để nếm thử món thịt bò và lẩu bò nức tiếng.
Do vùng cao nguyên có khí hậu buốt giá nên vị lẩu được nêm nếm cay nồng. Trong thời tiết lạnh lẽo được thưởng thức nồi lẩu bốc khói nghi ngút, chắc hẳn là một lựa chọn hợp lí.
Mỗi suất ăn dành cho một khách có giá khoảng 200 tệ (khoảng 700 ngàn đồng). Anh Trường cho rằng đây là mức giá khá rẻ bởi thực khách có thể gọi thêm bất kỳ loại thịt nào hay món ăn kèm cho đến khi ăn no căng mà không phải trả thêm chi phí. Thậm chí, nhiều nhà hàng địa phương còn khuyến mãi mời khách nếm thử món phô mai bò hay nhâm nhi cốc trà bơ.
Sau một ngày khám phá đã đói mềm, anh Trường háo hức ngồi vào bàn chờ thưởng thức món thịt bò trứ danh. Ban đầu, nhà hàng phục vụ hàng loạt món ăn kèm như mì, nấm, rau, đậu phụ cùng nhiều phần của thịt bò từ thịt nạc, ba chỉ, gầu, nạm cho tới gân hay bò viên.
Tùy theo khẩu vị, mỗi khách tự pha cho mình bát nước sốt riêng, gồm hành lá thái nhỏ, rau mùi, lạc giã, tương đen, tương đỏ, tiêu nâu, ớt tươi, ớt sa tế, nước tương, hạt vừng, dầu hướng dương…
Nước dùng lẩu bò được chuẩn bị kỳ công. Khi nếm thử, khách cảm nhận rõ hương vị thanh ngọt từ xương hầm được ninh chậm suốt 8 tiếng cùng cà chua, dưa chuột, táo đỏ.
“Thịt bò Yak có mùi rất thơm, mềm ngọt, dễ ăn mà không bị ngán. Tôi lại thích ăn phần ba rọi hơn vì có độ săn chắc khác biệt. Có lẽ người dân địa phương ăn thịt bò nhiều nên họ luôn khỏe mạnh, ít khi mắc bệnh, nhưng những người theo Phật giáo lại tránh ăn thịt bò. Tới đây, du khách vẫn có thể tìm thấy nhiều cửa hàng bán tất cả sản phẩm làm từ thịt bò Yak trên phố”, anh Trường cho biết.
Muốn mua về làm quà, du khách có thể chọn thịt bò khô Yak. Thoạt nhìn, sản phẩm chẳng khác gì món thịt trâu gác bếp của Việt Nam. Ban đầu, thịt được cắt thành từng dải mỏng, ướp các gia vị bí truyền.
Sau đó, chúng được treo vào sợi dây và làm khô tự nhiên. Phơi khoảng 3 tháng sau khi thịt chuyển sang sẫm màu có thể dùng được. Món ăn có giá khoảng 500 tệ/kg (1,7 triệu đồng).
Bên cạnh đó, du khách có thể chọn mua nhiều sản phẩm từ bò như phô mai, bơ sữa, bánh kẹo, thịt bò đóng hộp hay rượu sữa bò.
Ảnh: Đoàn Phước Trường
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment