Mỗi sáng, cảnh xếp hàng chờ ăn bún bò đã khá quen thuộc đối với người dân trong một con hẻm nhỏ trên đường Thành Thái (quận 10, TPHCM). Nhiều khách hàng đến sớm tự lấy bàn ghế ra ngồi, lấy giấy lau đũa, muỗng.
Vừa thấy bà Vũ Thị Kim Dung – chủ quán – ra mở cửa, các vị khách đồng thanh lên tiếng: “Có bún chưa cô Dung ơi?”. Nếu người lạ đến đây thì sẽ nghĩ họ là người thân của chủ quán chứ không phải khách hàng.
Hơn 8h, ông Sang (60 tuổi, ngụ tại quận 10) cầm trên tay xấp vé số đi bán, cứ 10-15 phút lại rảo xem hàng bún bò đã mở bán chưa. Ông Sang là “bạn hàng quen” hơn 10 năm tại quán bún bò này. Ông và con đều bán vé số, có được bữa ăn sáng đầy đủ là rất khó. Vì vậy, tô bún bò 10.000 đồng dường như là “phao cứu sinh” cho bố con ông.
“Đây là nơi rẻ nhất mà chúng tôi từng ăn. Bà Dung nấu nước lèo đậm đà, bún, thịt, rau đều tươi mà chỉ có 10.000 đồng/tô, rất phù hợp với túi tiền của cha con tôi”, ông chia sẻ.
“Tôi ăn bún ở đây chắc phải hơn 30 năm rồi. Khách ruột luôn, sáng nào không ăn là cứ thấy thiếu thiếu”, bà Hồi ngụ gần đó cho biết.
“Tôi làm nghề thu mua ve chai gần đây. Thấy tôi khó khăn nên mỗi tô chị Dung chỉ lấy 15.000 đồng. Vậy nên ngày nào tôi cũng ghé để ăn cho tiết kiệm” bà Thắm (50 tuổi), vị khách quen vừa nói vừa giơ ngón cái tấm tắc khen.
Theo bà Dung, thực khách chủ yếu là hàng xóm, người lao động tay chân đã lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn.
“Giá nào tôi cũng bán, thấp nhất là 10.000 đồng/tô, tuy không nhiều bún và thịt nhưng khách ăn vẫn no. Tô lớn hơn có giá 15.000-25.000 đồng. Thực khách đều là lao động tay chân, thu nhập thấp nên tôi bán vậy để ai cũng ăn được”, bà Dung chia sẻ.
32 năm trước, sau khi sinh con, bà Dung xin nghỉ làm kế toán ở một công ty và bắt đầu với hàng bún do bố mẹ để lại.
Đều đặn những năm qua, bà Dung phải dậy từ 3h sáng để đi chợ sớm, lựa những phần thịt tươi nhất để hầm làm nước lèo. Người ta hiếm khi thấy hàng bún bò đóng cửa, trừ lúc bà Dung đau ốm.
Bà Dung có một người con trai đã hơn 30 tuổi, nhưng bị bệnh nên không thể lao động phụ giúp bà. Mắc bệnh đau khớp, đi lại khó khăn, mỗi ngày bà Dung chỉ nấu lượng vừa đủ, khoảng 80 tô để bán.
Suốt nhiều năm, bún bò ở hàng bà Dung vẫn giữ giá rẻ, dù vật giá có leo thang. Thậm chí, có nhiều lần bà Dung không lấy tiền của người lớn tuổi.
“Tuy không lời nhiều nhưng tôi chỉ cần đủ sống qua ngày là được rồi. Mọi người ở đây ai cũng khổ. Bán rẻ để người lao động còn có chỗ ăn no bụng”, bà Dung cười, nói.
Nhìn nồi nước lèo cạn dần sau 1 tiếng đứng bán, bà Dung không khỏi hạnh phúc và biết ơn khi mỗi ngày vẫn còn sức khỏe, vẫn được lao động và nhận được sự ủng hộ của các vị khách gần xa.
Bình Minh
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment