Doanh thu “khủng”, thương hiệu lâu đời vẫn phải đóng cửa
Gần đây, thông tin quán gỏi đu đủ Ty Thy tại TPHCM phải đóng cửa, dời về Bình Dương, khiến nhiều khán giả tiếc nuối. Quán của cô gái chuyển giới này đã có hơn 6 năm hoạt động tại TPHCM, nổi tiếng là quán ăn thu hút nhiều thực khách, có ngày bán được hơn 600kg gỏi đu đủ.
Mặc dù sở hữu lượng khách đông nhưng chính Ty Thy thừa nhận quán phải đối mặt với những khó khăn về tài chính suốt thời gian qua. Một trong những lý do khiến quán gỏi gặp khó khăn là chi phí thuê mặt bằng cao.
“Thuê mặt bằng ở TPHCM khá đắt đỏ, trong khi kinh tế ngày càng khó khăn. Mọi người thấy quán đông khách, thu được lợi nhuận cao, nhưng tôi phải chi rất nhiều khoản phí, nhất là việc trả lương nhân viên”, người đẹp chuyển giới nói.
Theo Ty Thy, từ cuối năm 2023, quán của cô đã rơi vào tình trạng “khủng hoảng” vì số lượng khách suy giảm. Trong giai đoạn đó, Ty Thy phải chấp nhận gồng lỗ trong nhiều tháng liền. Thậm chí, để có đủ chi phí trang trải, cô buộc phải giảm lương nhân viên từ 9 triệu đồng xuống 7,5 triệu đồng.
Không riêng gì quán gỏi đu đủ trên, thời gian qua, một số hàng quán “hot”, tồn tại lâu đời ở TPHCM bất ngờ tuyên bố đóng cửa, gây ngỡ ngàng cho thực khách.
Vừa qua, thương hiệu trà sữa Âm 18 độ C tại TPHCM tuyên bố sẽ đóng cửa vào tháng 6 tới, sau 19 năm hoạt động. Đây từng là chuỗi đồ uống tiên phong trong mô hình “trà sữa lạnh” ra đời từ năm 2005. Thương hiệu này có nhiều chi nhánh nhưng sau này chỉ còn một cửa hàng duy nhất ở Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) và sắp tới sẽ đóng cửa vĩnh viễn.
“19 năm, một hành trình dài cho một sứ mệnh. Và Âm 18 độ C đã hoàn thành sứ mệnh đó. Sau 19 năm, giờ đây thị trường Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, đã quá quen thuộc với trà sữa. Âm 18 độ C cũng xin phép được rút lui khỏi cuộc chơi. Trong tháng 6, chúng tôi sẽ dừng hoạt động, rất cảm ơn quý khách hàng đã đồng hành trên con đường chật”, bài viết trên trang Facebook Âm 18 độ C.
Âm 18 độ C đã gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên tại TPHCM cùng với các chuỗi đồ uống khác như Alo Trà, Hoa Hướng Dương và Trà sữa thế giới.
Theo thời gian, nhiều hàng quán mọc lên làm phong phú thêm sự lựa chọn của thực khách. Song, đối với các thế hệ 8X, 9X thì thương hiệu này gắn liền với nhiều kỷ niệm. Siêu mẫu Minh Tú tiếc nuối chia sẻ: “Xin cảm ơn vì đã là một phần trong ký ức thanh xuân của tôi”.
Ở cuối đường Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) đoạn giao với đường Nguyễn Du, từng có một quán cà phê nổi tiếng mang thương hiệu của Trung Quốc, đó chính là Mellower Coffee. Nơi đây được nhiều bạn trẻ yêu thích, chọn là điểm hẹn hò bởi vị trí thuận lợi ngay trung tâm thành phố.
Thế nhưng chỉ sau 5 năm hoạt động (2019-2023), Mellower Coffee gây ngỡ ngàng khi thông báo đóng cửa vĩnh viễn các cửa hàng tại TPHCM (bao gồm cả 1 chi nhánh khác ở đường Lê Duẩn).
“Tiền thuê mặt bằng chỉ nên chiếm khoảng 20-30% doanh thu”
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, buổi tối, nhiều hàng quán dọc đường Phạm Văn Đồng – nơi nổi tiếng với hàng loạt quán nhậu – cũng rơi vào cảnh ế ẩm, thưa thớt người, mặc cho tiếng nhạc xập xình, ánh đèn màu chói lóa, máy phun khói hoạt động hết công suất.
Thời gian qua, nhiều quán nhậu nổi tiếng trên con đường này đã treo bảng đóng cửa, trong đó quán Zoozoo – một trong những quán nhậu tồn tại lâu năm – đã tuyên bố ngừng hoạt động cách đây vài tháng trong sự ngạc nhiên của nhiều người.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thạc sĩ Lê Anh Tú – CEO công ty iGem, giảng viên khoa Quan hệ Công chúng Truyền thông tại trường Đại học Văn Lang – cho rằng đối với các quán nổi tiếng nhờ trào lưu, vấn đề cốt lõi thường gặp là do không chịu đổi mới, sáng tạo dựa trên sự am hiểu về nhu cầu khách hàng.
“Một trào lưu nào đó thường có khả năng kéo dài 1-2 tháng hoặc 1-2 năm. Tuy nhiên, khi trào lưu đi qua, các quán khó duy trì lượng khách đông đúc như lúc đầu, bởi thực khách đã nhàm chán, hết tò mò”, ông Lê Anh Tú nói.
Chuyên gia cho rằng đối với các thương hiệu nổi tiếng hoạt động lâu năm như Âm 18 độ C, vấn đề họ gặp phải nằm ở việc chậm đổi mới, chậm thay đổi từ diện mạo bên ngoài đến cơ cấu bên trong, dẫn đến việc thương hiệu bị “cũ” trong mắt khách hàng.
“Người tiêu dùng Việt Nam thường có thói quen “có mới nới cũ”. Trong khi thị trường mỗi ngày đều xuất hiện thương hiệu mới, hoạt động theo quy chuẩn quốc tế. Cho nên, những thương hiệu lâu đời muốn cạnh tranh thì bắt buộc phải tân tiến cơ chế hoạt động. Thậm chí, phải đổi mới mỗi năm tùy theo nhu cầu người tiêu dùng”, chuyên gia đưa quan điểm.
Về việc nhiều hàng quán bị ế ẩm, sa sút khách hàng thời gian qua, ông Lê Anh Tú lý giải: “Nhìn chung nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn và tình hình các doanh nghiệp đóng cửa trong 6 tháng đầu năm khá nhiều.
Đó cũng là lý do Quốc hội vừa có đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đến cuối năm, trong khi ban đầu dự kiến chỉ kéo dài 6 tháng đầu năm.
Điều này cho thấy tình hình kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, bất động sản chưa bật dậy được, tỉ lệ người thất nghiệp vẫn còn cao. Tất cả vấn đề trên đã tác động trực tiếp đến “hầu bao” của người dân”.
Đối với các quán nhậu, ông Lê Anh Tú cho rằng, việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn cũng phần nào khiến các hàng quán giảm lượng khách đáng kể.
Theo chuyên gia Lê Anh Tú, một cơ sở kinh doanh ổn định thì phần chi phí thuê mặt bằng chỉ nên chiếm khoảng 20-30% doanh thu, dưới 20% thì càng an toàn. Ở TPHCM có thể chia thành 3 dạng mặt bằng là nội thành, các quận đang phát triển và quận ngoại thành. Trong đó, mặt bằng ở vùng nội thành là đắt nhất.
“Tuy nhiên, một cơ sở kinh doanh có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là sản phẩm, sau đó cần am hiểu về marketing, lên kế hoạch quảng bá sản phẩm trên social media (phương tiện truyền thông mạng xã hội) và nhiều thứ khác nữa”, chuyên gia cho biết.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment