Một chuyên viên tổ chức sự kiện than rằng bây giờ việc "bảo vệ sự kiện", giữ cho nó diễn ra đúng đắn như kịch bản quả là thật khó. Nếu không cẩn trọng trong quản lý và tổ chức thông tin, những sự kiện nghiêm túc có thể bị "phá đám" bởi các "tay máy quốc dân". Nhiều đám tang của những nhân vật nổi tiếng đã bị nhiều "tay máy" lợi dụng khai thác để "câu like, câu view" trên tài khoản cá nhân, thậm chí không ít người "bất chấp" đạt view bằng mọi giá để kiếm tiền.
Một vụ "câu view" vừa xảy ra là nhóm phụ nữ 17 người thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) hôm 17-5 đã ra giữa đường giao thông trình diễn bài tập yoga để quay phim, chụp ảnh. Ngày 19-5, chính quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 14 người lớn trong nhóm về hành vi tập trung đông người, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông.
Thực tế, ngoại trừ ở các tình huống bị ngăn cấm, công dân có quyền ghi nhận và phổ biến thông tin về các hoạt động trong cuộc sống xã hội. Về mặt tích cực, nó giúp lan tỏa thông tin cho cộng đồng. Ở chiều ngược lại, người dân cũng có quyền được nhận thông tin.
Vấn đề là cơ quan chức năng không thể xử phạt nếu như những "tay máy" này chưa manh động, chưa lố đến mức vi phạm pháp luật tới mức phải xử lý về quấy rối trật tự trị an. Nhưng không ai có thể phủ nhận tình trạng nhốn nháo, khó coi của những "tay máy" này.
Vì vậy, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để kiểm soát, nhắc nhở các "tay máy quốc dân" có ý thức trong khi "tác nghiệp". Bên cạnh đó, nhà chức trách địa phương cũng cần xử lý nghiêm minh những ai cố tình vi phạm pháp luật. Và để tránh bị làm cho méo mó, cần phải làm rõ rằng người nào đó bị xử phạt không phải do "quay phim" mà là vì "vi phạm pháp luật, gây rối xã hội". Dù là "tay máy quốc dân" nhưng cũng cần phải có văn hóa chuyên nghiệp.
0 nhận xét:
Post a Comment